close
Tín hiệu lạc quan thị trường lao động
20/07/2021
(LĐTĐ) Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, tạo được nhiều việc làm mới cho người lao động. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn tăng cao, thị trường lao động Thành phố tiếp tục ghi nhận những tín hiệu lạc quan.
Trên 97 ngàn lao động được giải quyết việc làm
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 97.865/160.000 lao động, trong đó, tạo việc làm qua hình thức vay vốn cho 28.500 lao động với số tiền cho vay là 1.282 tỷ đồng.
Số lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại 111 phiên, sàn giao dịch việc làm là 5.886 lao động; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động là 1.252 người; số lao động được cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 62.227 người.
Công tác giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm đạt 61,2% kế hoạch được giao trong năm, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2020 (khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập và lây lan tại một số địa phương, Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch) và tương đương với cùng kỳ năm 2019 (khi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố ở trạng thái bình thường). Các đơn vị tích cực thực hiện giải pháp để tạo việc làm cho người lao động có thể kể đến là Phú Xuyên, Quốc Oai, Hà Đông, Thường Tín.
Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm, với việc Thành phố tiếp nhận và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 33.360 người với số tiền 830 tỷ đồng cho thấy tình hình thất nghiệp đã giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2020).
Thành phố đã hỗ trợ học nghề cho 1.153 người với số tiền 3,58 tỷ đồng; cấp mới và cấp lại 4.591 giấy phép cho lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thông báo miễn cấp cho 350 trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Sở đã trình Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền cho Sở thực hiện một số nội dung theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; phối hợp Bảo hiểm xã hội Thành phố xây dựng quy trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Sở đã trình Ủy ban nhân dân Thành phố Đề án Phát triển quan hệ lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; triển khai, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động 2019; đôn đốc, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, tập huấn Bộ luật Lao động 2019 cho các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã thu thập thông tin về tình hình lao động; tiền lương, tiền thưởng Tết; tình hình nợ lương, vay để trả lương ngừng việc năm 2020 của các doanh nghiệp; triển khai điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp, mức sống tối thiểu của người lao động năm 2021.
Sở còn tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp về thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025… Những hoạt động này đã góp phần đáng kể ổn định quan hệ lao động trên địa bàn.
Vượt khó đẩy mạnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thực hiện quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề, ngay từ đầu năm Sở đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành và triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố và tham mưu chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2021.
Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 67 trường cao đẳng, 82 trường trung cấp, 75 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 146 doanh nghiệp, loại hình khác.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm, Thành phố tuyển sinh được khoảng 34.500/220.500 lượt người (cao đẳng 440 người, trung cấp 1.010 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 33.050 người), đạt 15,64% kế hoạch tuyển sinh năm 2021, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh với nhiều hình thức: Tư vấn trực tiếp kết hợp trực tuyến, tuyển sinh online, phối hợp với doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 4/5/2021. Trong thời gian nghỉ học, các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo, xây dựng phương án giảng dạy trực tuyến cho học sinh nhằm đảm bảo kế hoạch đào tạo năm học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và của đơn vị.
Để thúc đẩy đào tạo nghề theo sát nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động, giữa tháng 4/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 với 3 hoạt động chính, gồm: Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, tốt nghiệp Trung học phổ thông; hoạt động của phiên giao dịch việc làm. Hội nghị có sự góp mặt của 30 doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 30 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm với hơn 1.500 chỉ tiêu tuyển dụng, đã thu hút gần 6.000 người tham dự.
Hiện nay, Sở đang trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; đồng thời triển khai xây dựng 20 bộ chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Thông qua các hoạt động đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác lao động người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2021 vừa được tổ chức mới đây, bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Hà Nội nhận định: Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục có những tác động khó khăn đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố. Tuy vậy, bà Bạch Liên Hương đề nghị toàn ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn chung hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, đối với công tác việc làm, Sở sẽ triển khai thực hiện Đề án tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội; kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2030; kế hoạch nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 khi được Thành phố phê duyệt. Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và tìm việc, học nghề của người lao động qua các hình thức để giải quyết việc làm.
Toàn ngành sẽ đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 sàn giao dịch việc làm và 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh trong điều kiện bình thường mới; tổ chức đối thoại và tập huấn Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn Thành phố./.
文章標籤
全站熱搜
留言列表